Nguyên nhân của phù là gì?

Cập nhật: 28/05/2014 Lượt xem: 40057

 

PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm, BV 103

Bài đã đăng trên báo Sức khỏe và Đời sống (Bộ Y tế) số 142 (26/11/2002), trang 6.

 

Phù là gì?

Trong cơ thể người, nước chiếm khoảng 60% trọng lượng cơ thể và được phân bố trong hai khoang chính, ngăn cách nhau bởi các màng bán thấm. Khoang nội bào chứa 2/3 lượng dịch, khoang ngoại bào chứa 1/3 lượng dịch. Dịch ngoại bào lại chia làm hai khoang, đó là dịch trong khoang máu (bao gồm huyết tương và dịch bạch huyết), chiếm 5% trọng lượng cơ thể và dịch trong khoang gian bào chiếm 15% trọng lượng cơ thể.  Nếu một người nặng 50kg thì lượng dịch trong khoang gian bào là 7,5 lít. Trong trường hợp bệnh lý, khi lượng nước từ khoang máu di chuyển vào khoang gian bào nhiều hơn lượng nước di chuyển từ khoang gian bào vào khoang máu sẽ gây ứ nước ở khoang gian bào. Hiện tượng đó được gọi là phù. Như vậy phù được định nghĩa là hiện tượng ứ nước ở khoang gian bào.

Dịch phù chủ yếu tích ở tổ chức liên kết dưới da, nơi có tổ chức lỏng lẻo và áp lực tổ chức thấp. Nếu phù nặng thì dịch phù có cả ở các khoang rỗng của cơ thể như khoang phúc mạc (tràn dịch màng bụng), khoang màng phổi (tràn dịch màng phổi), khoang màng tinh hoàn (tràn dịch màng tinh thoàn). Ngoài ra còn có các thể phù đặc biệt như phù phổi cấp (dịch phù tràn vào các phế nang), phù não…

Nếu căn cứ vào tính chất phù người ta chia ra hai loại phù là phù mềm và phù cứng.

Phù mềm là loại phù khi dùng ngón tay ấn vào da để lại một vết lõm lâu phẳng sau khi ngừng ấn, xung quanh vết lõm gờ lên làm vết lõm giống như chiếc nghiên mài mực nho, nên gọi là dấu hiệu lõm lọ mực. Phù mềm là do nước bị ứ lại ở dạng tự do trong khoang gian bào. Đây là laoij phù hay gặp trong lâm sàng.

Phù cứng là loại phù khi dùng ngón tay ấn vào da, không để lại vết lõm sau khi ngừng ấn. Phù cứng là do lượng nước ứ lại ở khoang gian bào không ở dạng tự do mà ở dạng liên kết với các thành phần của mô như liên kết với acid hyaluronic của tổ chức liên kết. Phù cứng gặp trong một số bệnh lý như: phù do dị ứng,, phù do nhược năng tuyến giáp (phù niêm).

Trong bài này chúng tôi chỉ đề cập tới phù mềm là loại phù hay gặp trong lâm sàng.

Khám phát hiện phù:

+ Nhìn sẽ thấy mi mắt mọng, mất các nếp gấp mi. Da vùng bị phù căng bóng, không còn nếp nhăn. Các chỗ bình thường có các hõm như hõm sau và trước mắt cá chân sẽ đầy và mất đi các hõm này. Bệnh nhân có cảm giác nặng nề ở nơi phù.

+ Khám ngoài da: dùng ngón tay ấn vào các vùng da trên nền xương như mặt trước trong xương chày, mắt cá chân, vùng cột sống thắt lưng, vùng xương cùng, vùng trán… Sau khi nhấc ngón tay ra sẽ để lại một vết lõm có bờ hơi gờ cao do nước bị dồn ra xung quanh tạo nên, vết lõm lâu mới đầy trở lại.

+ Tốt nhất là theo dõi cân nặng của bệnh nhân, theo dõi cân nặng vừa biết được lượng nước bị ứ lại vừa đánh giá được tiến triển của phù. Nếu trong 1 vài ngày thấy bệnh nhân tăng 1-2kg (cân cùng thời điểm trong ngày, lúc đói) kèm thêm các triệu chứng nghi ngờ phù thì cần đưa bệnh nhân đi khám để xác định có phù hay không và tìm nguyên nhân phù để điều trị.

+ Nếu phù toàn thân nặng cần khám xem có tràn dịch màng phổi không bằng dấu hiệu 3 giảm ở đáy phổi, chụp X-quang phổi để phát hiện. Khám xác định có tràn dịch màng bụng, tràn dịch màng tinh hoàn không.

Nguyên nhân phù

Phù toàn thân gặp trong các bệnh: bệnh thận (viêm cầu thận cấp, viêm cầu thận mạn, hội chứng thận hư, suy thận cấp, suy thận mạn); bệnh tê phù thể ướt (do thiếu vitamin B1); suy dinh dưỡng; nhiễm độc thai nghén.

Phù khu trú: phù ở ngực và hai tay (phù áo khoác) gặp trong hội chứng trung thất do tĩnh mạch chủ trên bị chèn ép; phù hai chi dưới do suy tim phải hay suy tim toàn bộ; phù do xơ gan; phù trong 3 tháng cuối của thời kỳ thai nghén do tĩnh mạch chủ dưới bị thai chèn ép.

Phù một chi: thường phù một chi dưới do viêm tắc tĩnh mạch sâu, viêm mạch bạch huyết.

Đặc điểm phù do các nguyên nhân khác nhau

Căn cứ vào đặc điểm khác nhau của triệu chứng phù, người ta có thể sơ bộ dự đoán được nguyên nhân gây ra phù.

+ Phù do các bệnh thận thì có đặc điểm:

- Ban đầu xuất hiện ở hai mi mắt. Sáng ngủ dậy thấy hai mi mắt mọng. Sau một vài ngày phù xuất hiện toàn thân. Dùng ngón tay ấn vùng da trước trong xương chày, mắt cá chân thấy để lại vết lõm lâu đầy. Da vùng phù căng bóng, mất các nếp nhăn. Các chỗ lõm tự nhiên trở nên đầy như lõm mặt sau, mặt trước mắt cá chân. Những vùng ở thấp thường phù nhiều như hai chân, vùng thắt lưng nếu bệnh nhân nằm ngửa nhiều. Nếu phù nặng (hội chứng thận hư) bệnh nhân có thể tăng 5-10kg so với khi chưa phù, có thể có tràn dịch màng phổi (có hội chứng 3 giảm ở đáy phổi khi ngồi), tràn dịch màng bụng (bụng to bè, rốn đầy, gõ đục vùng thấp, dấu hiệu sóng vỗ dương tính), tràn dịch màng tinh hoàn (bìu to, da bìu căng mọng, sờ thấy tinh hoàn bình thường bên trong).

- Phù tăng về buổi sáng sau khi ngủ dậy, giảm về chiều.

- Ăn mặn thì phù tăng nhanh, ăn nhạt thì phù giảm.

- Bệnh nhân đi tiểu ít

- Có thể đau âm ỉ hai hố thắt lưng

- Xét nghiệm nước tiểu có protein niệu, hồng cầu niệu, trụ hình niệu.

+ Phù do suy tim:

- Phù hai chi dưới

- Phù tăng về chiều và giảm về sáng sau ngủ dậy,  được nghỉ ngơi thì phù giảm.

- Bệnh nhân mệt, khó thở tăng khi vận động, giảm khi được nghỉ ngơi. Tĩnh mạch cổ nổi, gan to, phản hồi gan-tĩnh mạch cổ dương tính.

- Khám tim phát hiện các bệnh lý thực thể của tim như bệnh van tim, bệnh cơ tim, bệnh mạch vành.

+ Phù do suy dinh dưỡng: bệnh nhân thiếu ăn lâu ngày, gầy, cơ teo, phù toàn thân nhưng nặng hơn ở hai chi dưới. Xét nghiệm protein máu và albumin máu giảm nặng.

+ Tê phù thể ướt (do thiếu vitamin B1) bệnh nhân ăn gạo ẩm mốc, gạo dự trữ lâu ngày, phù hai chi dưới, tê bì và mất cảm giác hai chi dưới, giảm hoặc mất phản xạ gân xương chi dưới do tổn thương thần kinh ngoại vi. Có thể có tim to, suy tim, nhịp tim nhanh.

+ Nhiễm độc thai nghén: thường xuất hiện ở người có thai 3 tháng cuối, con so, phù toàn thân kèm tăng huyết áp, protein niệu dương tính, acid uric máu tăng. Cần phát hiện sớm và điều trị tích cực đề phòng sản giật.

 Khi phát hiện phù cần đưa bệnh nhân đi khám để xác định nguyên nhân gây phù và được điều trị thích hợp.

 

 

 


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bệnh thận - Tiết niệu

    Bệnh tim mạch

      Bệnh cơ-xương-khớp

        Bệnh nội tiết-chuyển hóa

          Bệnh tiêu hóa

            Bệnh phổi - phế quản

              Bệnh Thần kinh - Tâm thần

                Bệnh truyền nhiễm

                  Bệnh nhi khoa

                    Cận lâm sàng

                      Bệnh khác

                        Thuốc

                          Vật lý trị liệu

                            Phục hồi chức năng

                              Tư vấn và Chia sẻ thông tin

                                Sách đã xuất bản của Hà Hoàng Kiệm

                                  Bài báo khoa học

                                    SÁCH CỦA TÔI