Chế độ ăn cho người suy thận mạn

Cập nhật: 28/05/2014 Lượt xem: 5195

 

PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm, BV 103

Bài đã đăng trên báo Sức khỏe và Đời sống (Bộ y tế) số 49 (23/4/2005) trang 7.

 

Suy thận mạn là hậu quả cuối cùng của các bệnh thận, tiết niệu mạn tính và các bệnh toàn thân khác gây tổn thương thận, và là hội chứng bệnh lý tồn tại kéo dài suốt đời sống bệnh nhân, tiến triển ngày càng nặng dần không hồi phục dẫn đến suy thận giai đoạn cuối. Khi suy thận giai đoạn cuối bệnh nhân phải được điều trị thay thế thận (lọc máu ngoài thận hoặc ghép thận) để duy trì cuộc sống. Một chế độ ăn hợp lý sẽ giúp duy trì chức năng thận và làm chậm tiến trtieenr của suy thận mạn đến giai đoạn cuối.

Nếu bạn bị suy thận mạn thì chế độ ăn của bạn phải tuân theo nguyên tắc: hạn chế lượng protein, hạn chế natri và phosphat, dủ năng lượng, đủ vi tamin và các yếu tố vi lượng.

Lượng protein bạn được phép ăn hàng ngày tùy theo mức độ nặng của suy thận như sau:

+ Suy thận giai đoạn I (nồng độ creatinin máu dưới 130mcmol/l) ăn 0,8g (đạm)/kg (trọng lượng cơ thể)/ngày.

+ Suy thận giai đoạn II (nồng độ creatinin máu 130mcmol/l – 300 mcmol/l) ăn 0,6g (đạm)/kg (trọng lượng cơ thể)/ngày.

+ Suy thận giai đoạn IIIa (nồng độ creatinin máu 300mcmol/l – 500mcmol/l) ăn 0,5g (đạm)/kg (trọng lượng cơ thể)/ngày.

+ Suy thận giai đoạn IIIb (nồng độ creatinin máu 500mcmol/l – 900 mcmol/l) ăn 0,4g (đạm)/kg (trọng lượng cơ thể)/ngày.

+ Suy thận giai đoạn IV (nồng độ creatinin máu trên 900mcmol/l) ăn 0,2g (đạm)/kg (trọng lượng cơ thể)/ngày.

Nếu bạn đang lọc máu chu kỳ bằng thận nhân tạo, thì lượng đạm trong chế độ ăn có thể tăng lên như người bình thường là 1-1,2g/kg/24 giờ.

Căn cứ vào lượng đạm có trong 100gam (1 lạng) thực phẩm để tính ra lượng thực phẩm ăn hàng ngày. Chẳng hạn, 1 lạng thịt bò hoặc thịt lợn nạc cho 16-20g đạm. Ví dụ, người bị suy thận giai đoạn II, có cân nặng là 50kg, nếu lượng đạm được cung cấp hoàn toàn bằng thịt bò hoặc thịt lợn nạc thì được phép ăn 1,5 lạng (0,6x50:20=1,5). Tuy nhiên trong các thực phẩm như gạo, ngô, bột mì, đậu phụ, rau, quả…có trong bữa ăn đã chứa một lượng đạm. Như vậy, lượng đạm tính toán trên cần giảm đi 1/3 và babnj được phép ăn không quá 1 lạng thịt nạc hoặc thịt bò hoặc cá/ngày. Lượng thịt trên có thể thay bằng cá, trứng, đậu phụ, sữa…

Mặc dù phải ăn giảm protein, nhưng vẫn phải cung cấp đủ 8 acid amin cần thiết. Vì vậy bạn nên chọn các loại thực phẩm quý, giàu acid amin cần thiết như thịt bò, thịt lợn nạc, tim, cá, lòng đỏ trứng… bạn cũng nên bổ xung thêm viên ketosterin để cung cấp thêm acid amin cần thiết mà không làm tăng ure máu (1 viên ketosterin/5kg trọng lượng cơ thể/ngày).

Bên cạnh việc giảm đạm, giảm natri, giảm phosphat, phải đảm bảo đủ năng lượng (1800-2000Kcal/ngày), đủ nước, đủ vitamin và các yếu tố vi lượng để giúp cho quá trình chuyển hóa được tốt. Ăn tăng các chất bột, đường, ăn bổ xung các loại rau, quả ngọt. Các loại quả có vị chua cần hạn chế. Không ăn các loại quả có nhiều kali như các quả đã được chế biến khô như ô mai, nước quả mơ, nước quả sấu, nho khô, khoai tây, chuối… có thể uống thêm các vitamin nhóm B.

Suy thận mạn thường gây chán ăn, ăn không ngon, lại phải theo một chế độ ăn hạn chế đạm, phosphat và natri suốt đời. Vì vậy bạn cần chọn lựa và thay đổi các loại thực phẩm, thay đổi cách chế biến để có thể ăn được hết khẩu phần. Ví dụ, thực đơn cho một ngày như sau: sáng ăn khoai lang, khoai sọ chấm đường hoặc mật mía, hoặc bánh mì với bơ, sữa. Bữa trưa ăn cơm, khoai sọ hầm với ít thịt nạc và mỡ, rau xanh. Tối có thể cơm rang với trứng, miến dong sào với trứng, canh cải, xu hào luộc. Có thể ăn bổ xung để cung cấp thêm calo và vitamin như chè đường, khoai sọ, khoai lang, sắn luộc chấm mật, bánh quy bơ, kẹo, mía, hoa quả ngọt…

 

 

 

 


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bệnh thận - Tiết niệu

    Bệnh tim mạch

      Bệnh cơ-xương-khớp

        Bệnh nội tiết-chuyển hóa

          Bệnh tiêu hóa

            Bệnh phổi - phế quản

              Bệnh Thần kinh - Tâm thần

                Bệnh truyền nhiễm

                  Bệnh nhi khoa

                    Cận lâm sàng

                      Bệnh khác

                        Thuốc

                          Vật lý trị liệu

                            Phục hồi chức năng

                              Tư vấn và Chia sẻ thông tin

                                Sách đã xuất bản của Hà Hoàng Kiệm

                                  Bài báo khoa học

                                    SÁCH CỦA TÔI