Xét nghiệm đo độ thẩm thấu nước tiểu mẫu sáng sớm

Cập nhật: 18/04/2014 Lượt xem: 5510

PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm, BV 103

                 Từ trước đến nay, để đánh giá khả năng cô đặc nước tiểu của thận trong thực hành lâm sàng, các nước theo trường phái Liên Xô cũ, trong đó có Việt Nam, thường dùng nghiệm pháp Zimniski. Nghiệm pháp này đo tỉ trọng và thể tích nước tiểu mỗi 3 giờ một lần trong 24 giờ để nhận định kết quả. Nghiệm pháp tuy đơn giản, nhưng phiền phức là cứ 3 giờ phải lấy mẫu nước tiểu của bệnh nhân một lần trong 24 giờ. Điều đó làm cả bệnh nhân và y tá mất ngủ ban đêm ảnh hưởng tới kết quả nghiệm pháp.

                  Phương pháp đo độ thẩm thấu nước tiểu và huyết thanh được sử dụng ở các nước Âu-Mỹ, ở Việt Nam chưa biết đến phương pháp này cho đến 1998, khi Hà Hoàng Kiệm là người đầu tiên nghiên cứu và ứng dụng phương pháp đo độ thẩm thấu nước tiểu và máu để đánh giá khả năng cô đặc nước tiểu của thận trong luận án tiến sĩ của mình thì phương pháp này mới được ứng dụng ở Việt Nam. Phương pháp đo độ thẩm thấu bao gồm đo độ thẩm thấu máu, độ thẩm thấu nước tiểu của mẫu nước tiểu 24 giờ, từ đó tính các hệ số thanh thải thẩm thấu, hệ số thanh thải nước tự do, tỉ số độ thẩm thấu niệu/độ thẩm thấu máu. Đây là phương pháp đơn giản cho phép đánh giá định lượng chính xác khả năng cô nước tiểu của thận, loại trừ được ảnh hưởng của các phần tử có trọng lượng lớn trong nước tiểu như glucose mà phương pháp đo tỉ trọng bị ảnh hưởng. Đáng chú ý là phương pháp đo độ thẩm thấu nước tiểu mẫu sáng sớm, đơn giản, tiện dụng trong lâm sàng và cho kết quả khá chính xác.

                    Phương pháp đo độ thẩm thấu nước tiểu mẫu sáng sớm được Hà Hoàng Kiệm, là người đầu tiên nghiên cứu ứng dụng ở Việt nam (một phần trong luận án tiến sĩ của mình đã bảo vệ 1998). Đây là phương pháp rất đơn giản, không gây phiền phức cả cho người bệnh và nhân viên y tế, dễ áp dụng và có giá trị cao trong thực hành lâm sàng. Từ đó phương pháp này đã được ứng dụng rộng rãi trong thực hành lâm sàng chuyên ngành thận và trong thăm dò chức năng thận của người hiến thận ở trong nước. Xét nghiệm đã được viết trong giáo trình và giảng dạy chính thức trong chương trình thận học của Học viện Quân y, hiện nay đã trở thành một nghiệm pháp phổ thông trong lâm sàng thận học ở Việt Nam.

                    Cơ sở của nghiệm pháp là do ban đêm nước tiểu được thận cô đặc tốt nhất vì không đưa thêm nước vào cơ thể, lưu lượng máu qua thận giảm vì nhịp tim và huyết áp khi ngủ giảm. Vì vậy mẫu nước tiểu sáng sớm phản ánh tốt nhất khả năng cô đặc nước tiểu của thận.

Nghiệm pháp được tiến hành như sau:

                     Trong ngày bệnh nhân sinh hoạt và ăn uống bình thường, buổi tối không được dùng các chất có tác dụng lợi tiểu như uống bia rượu, thuốc lợi tiểu cả đông y và tây y. Trước khi ngủ đi tiểu để loại hết nước tiểu ban ngày còn lưu trong bàng quang. Trong đêm không uống thêm nước, không truyền dịch, nếu đi tiểu trong đêm thì loại bỏ mẫu nước tiểu này. Nước tiểu của lần đi tiểu đầu tiên vào buổi sáng lúc ngủ dậy (từ 5 giờ đến 7 giờ sáng) được gọi là nước tiểu mẫu sáng sớm. Mẫu nước tiểu này được đựng trong bô sạch, lấy 2 ml gửi lên phòng xét nghiệm để đo độ thẩm thấu.

Nhận định kết quả:

+ Giá trị bình thường của độ thẩm thấu nước tiểu mẫu sáng sớm là 800±30 mOsm/kg H2O (Hà Hoàng Kiệm 1998).

+ Khi độ thẩm thấu nước tiểu mẫu sáng sớm ≥600 mOsm/kg H2O, khả năng cô đặc nước tiểu của thận là bình thường, không cần phải làm thêm bất kỳ một nghiệm pháp nào khác để đánh giá khả năng cô đặc nước tiểu của thận.

+ Khi độ thẩm thấu nước tiểu mẫu sáng sớm <600 mOsm/kg H2O, có thể khả năng cô đặc nước tiểu của thận giảm. Tuy nhiên, để kết luận đủ độ tin cậy cần làm lại vài lần, hoặc nếu cần thì làm nghiệm pháp mất nước.

Hình 1. máy đo độ thẩm thấu (Osmometer) theo nguyên lý
xác định độ hạ băng điểm của chất dịch

                  Độ thẩm thấu của một chất dịch được đo theo nguyên lý xác định độ hạ băng điểm (freezing point: điểm đóng băng) của chất dịch đó. Điểm đóng băng của một chất dịch phụ thuộc vào số lượng các phần tử (particles: hạt) chất tan có trong dung dịch, số lượng phần tử chất tan có trong dung dịch được đặc trưng bởi độ thẩm thấu của chất dịch. đơn vị độ thẩm thấu là Osmol/kg H2O, hay mOsmol/kgH2O (1 Osmol/kg H2O = 1000 mOsmol/kgH2O).

                    Một Osmole được định nghĩa là 1 mol của một chất không phân ly và chứa 6.02 × 10^23 phần tử (định luật Avogadro). Nước không có chất hòa tan (nước cất) sẽ đông lại ở 0 độ C. Nếu 1 Osmol của bất kỳ chất hòa tan (hoặc kết hợp của nhiều chất hòa tan) được thêm vào 1 kg nước, điểm đóng băng (freezing point) của nước này sẽ giảm đi 1.85 độ C. Điểm đóng băng của huyết tương bình thường khoảng – 0.521 độ C. Điều này tương ứng với Osmolality là 0.280 Osmol/kg hay 280 mOsmol/kg dung môi.


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bệnh thận - Tiết niệu

    Bệnh tim mạch

      Bệnh cơ-xương-khớp

        Bệnh nội tiết-chuyển hóa

          Bệnh tiêu hóa

            Bệnh phổi - phế quản

              Bệnh Thần kinh - Tâm thần

                Bệnh truyền nhiễm

                  Bệnh nhi khoa

                    Cận lâm sàng

                      Bệnh khác

                        Thuốc

                          Vật lý trị liệu

                            Phục hồi chức năng

                              Tư vấn và Chia sẻ thông tin

                                Sách đã xuất bản của Hà Hoàng Kiệm

                                  Bài báo khoa học

                                    SÁCH CỦA TÔI