Viêm xoang cấp tính mủ

Cập nhật: 23/09/2020 Lượt xem: 2390

Viêm xoang cấp tính mủ

Bệnh nhân Nguyễn Thị Ngọc Linh sinh 1982, đến khám tại bệnh viện đa khoa 16A, Hà Đông Hà Nội, ngày 22.9.2020 với triệu chứng đau đầu từng đợt, khởi phát hơn 10 ngày gần đây, đau hai bên thái dương lan lên đỉnh đầu, đau tăng về buổi trưa, điều trị thuốc giảm đau paracetamol đau giảm thời gian ngắn rồi đau lại trở lại. Đau đầu không kèm theo chóng mặt hay buồn nôn, không nhậy cảm với ánh sáng hay tiếng động. Không ngạt mũi không chảy nước mũi, không sốt.  Ngoài các triệu chứng trên bệnh nhân không còn triệu chứng gì khác, không có triệu chứng thần kinh khu trú, không rối loạn ngôn ngữ, không rối loạn cơ vòng, phản xạ gân xương bình thường. Xét nghiệm máu và nước tiểu bình thường, xét nghiệm sinh hóa máu bình thường, CRP bình thường. Dưới đây là hình ảnh chụp MRI sọ não của bệnh nhân. 

Phim tổng thể.

Lát cắt 3 và 4 phóng to.

Lát cắt 1 và 2 phóng to.

Hình ảnh cắt dọc.

Hình 1. Hình ảnh MRI của bệnh nhân Nguyễn Thị Ngọc Linh cho thấy: não, màng não trên các lát cắt đều bình thường, không phát hiện tổn thương. Xoang sàng trước, xoang sàng sau, xoang bướm bình thường không có viêm (lát cắt 3 và 4). Xoang hàm phải bình thường, xoang hàm trái chứa đầy dịch mủ, nề đẩy thành mũi về phía trung tâm (lát cắt 1 và 2). 

Vấn đề là bệnh nhân không hề có triệu chứng gì của viêm xoang, vậy mà hình ảnh MRI lại cho thấy xoang hàm trái chứa đầy dịch mủ. Khe thông giữa xoang hàm trái và hốc mũi bị bít tắc nên không có dịch mủ chảy ra mũi. Dịch mủ khá đặc vì bám dày trên thành xoang và không khí ở giữa. Nếu dịch mủ loãng thì sẽ đọng phía đáy xoang và phía trên là không khí. Từ đó hướng điều trị cũng cần lưu ý: nếu dùng biện pháp chọc rửa xoang thì không có đường thông sẽ không thành công, đồng thời dịch mủ đặc bám trên thành xoang khó có thể chọc rửa làm sạch được dịch mủ. Lựa chọn điều trị là mổ nội soi để làm sạch xoang và làm sạch các bệnh tích trong trong xoang thì kết quả điều trị mới thành công.

Viêm xoang cấp tính mủ là viêm mủ cấp tính của niêm mạc mũi xoang, là một bệnh rất phổ biến ở trong cộng đồng. Khi bị viêm xoang cấp tính, người bệnh phải được điều trị kịp thời và nghỉ ngơi hợp lý, tránh bệnh kéo dài thành mạn tính hoặc gây nên các biến chứng.

Hình 2. Sơ đồ viêm mủ xoang hàm trái.

1. Nguyên nhân viêm xoang cấp tính mủ

Nguyên nhân gây ra viêm xoang cấp tính mủ có hai khía cạnh: yếu tố về giải phẫu và yếu tố nhiễm trùng.

Nhìn từ đặc điểm giải phẫu của xoang hàm: Lỗ thông ra mũi của các xoang cạnh mũi là rất nhỏ, khi bị hẹp hoặc tắc nghẽn thì ảnh hưởng đến sự lưu thông khí và dịch tiết trong lòng xoang. Vì niêm mạc trong lòng xoang liên tục với niêm mạc hốc mũi nên khi có nhiễm trùng ở hốc mũi thì rất dễ lan vào xoang. Các lỗ thông và các thành của các loại xoang cạnh mũi nằm rất gần nhau, cho nên, nếu một xoang bị viêm thì có thể lây lan đến các xoang khác. Đặc điểm về giải phẫu này của hệ thống mũi xoang là điều kiện thuận lợi cho viêm tiến triển thành viêm đa xoang.

Vi khuẩn gây bệnh trong viêm xoang mủ cấp tính thường là phế cầu, tụ cầu, liên cầu khuẩn. Viêm xoang do răng thường là do vi khuẩn yếm khí hoặc nhiễm trùng trực khuẩn coli.

Hình 3. Sơ đồ hệ thống xoang sọ và mặt.

Mặt khác, nhìn từ góc độ toàn thân và tại chỗ, có rất nhiều nguyên nhân thuận lợi cho sự phát sinh viêm xoang mủ cấp tính, thường thấy có:

1.1. Nguyên nhân toàn thân

Mệt mỏi quá mức, thiếu dinh dưỡng, rối loạn nội tiết, cơ địa dị ứng, hít khói thuốc lá, uống rượu bia quá độ, thiếu vitamin, khí hậu ẩm thấp, ô nhiễm môi trường… Cùng với các bệnh toàn thân đang mắc phải như thiếu máu, bệnh lao, tiểu đường… có thể dẫn đến giảm sức đề kháng của cơ thể, từ đó tạo thuận lợi cho viêm nhiễm phát sinh. Mặt khác, các bệnh truyền nhiễm cấp tính như cúm, viêm phổi, bệnh tinh hồng nhiệt, bệnh sởi, bạch hầu, thương hàn cũng dễ gây ra viêm mũi dẫn đến viêm xoang mủ cấp tính.

1.2. Nguyên nhân tại chỗ

- Viêm mũi cấp:

Quá trình viêm có thể tự nhiên lan vào niêm mạc xoang hoặc do hắt hơi và do hỉ mũi làm cho dịch mủ trong hốc mũi bị đẩy vào trong xoang gây ra viêm xoang mủ.

- Những nguyên nhân khác trong mũi:

Như cách bơi lội, ngâm nước, nhảy nước không đúng, hoặc sau khi bơi lội hỉ mũi không đúng làm cho nước bẩn có chứa vi khuẩn lọt qua lỗ thông mà vào xoang.

Dịch tiết ứ đọng trong xoang quá lâu sẽ gây kích thích và ô nhiễm tại chỗ, cộng thêm sự thông khí bị tắc nghẽn nên gây ra viêm xoang mủ. Ngoài ra, những bệnh như lệch vách ngăn mũi, phì đại xoăn mũi, khối u trong mũi, viêm mũi dị ứng, dị vật hốc mũi hoặc sưng nề niêm mạc mũi làm cản trở thông khí và dẫn lưu xoang gây ra viêm xoang mủ cấp tính.

- Do ảnh hưởng của bệnh lý ở các tổ chức lân cận:

Như viêm amidan, mụn nhọt ở mặt và viêm xương mặt. Nhiễm trùng răng hàm trên, khi nhổ răng làm tổn thương thành xoang mũi hoặc vô tình đẩy chân răng còn sót vào trong xoang.. cũng có thể gây ra viêm xoang hàm trên cấp tính.

- Chấn thương và nhiễm trùng ngoại lai:

Do xoang hàm, xoang trán và xoang sàng nằm khá nông nên dễ bị chấn thương, dị vật tồn lưu, nhiễm trùng máu…đều có thể dẫn đến viêm xoang mủ.

- Thay đổi khí áp đột ngột:

Khi máy bay hạ độ cao đột ngột, làm tăng khí áp hốc mũi, đẩy dịch viêm ở mũi vào xoang, gây ra viêm xoang mủ cấp tính.

2. Triệu chứng viêm xoang cấp tính



Hình 4. Hình ảnh nội soi mũi cho thấy viêm xoang cấp mủ.

Hầu hết nhiễm trùng xoang đều xuất phát từ mũi và lan từ mũi vào trong xoang.

Viêm xoang cấp tính do rất nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó viêm mũi cấp tính tái diễn nhiều lần là nguyên nhân chính. Các xoang có thể bị viêm cùng lúc, hoặc có thể bị viêm riêng lẻ, trong đó tỉ lệ viêm xoang hàm là cao nhất.

Do vị trí giải phẫu các xoang khác nhau, cho nên có thể có triệu chứng riêng của mỗi xoang như: Viêm xoang hàm cấp tính thì đau ở vùng cạnh mũi, buổi sáng sớm thì nhẹ, sau buổi trưa thì nặng thêm. Viêm xoang trán gây đau ở giữa hai chân mày, trước trán, với biểu hiện hơi tức nặng vào sáng sớm, giữa trưa đau nhiều nhất, sau buổi trưa thì giảm bớt. Viêm xoang sàng thì đau ở gốc mũi hoặc giữa hai khóe mắt trong với các biểu hiện như: Viêm xoang sàng trước thì sáng sớm đau tăng, sau buổi trưa nhẹ bớt. Viêm xoang sàng sau thì ngược lại. Viêm xoang bướm thì đau sâu trong đầu và phía sau nhãn cầu hoặc đau ở vùng chẩm, sáng sớm nhẹ, buổi chiểu nặng thêm, khi cúi đầu, nhảy, hỉ mũi thì đau tăng thêm. Bệnh nhân có thể có triệu chứng giảm trí nhớ, ngại tư duy và giảm độ tập trung chú ý.

3. Biến chứng

Viêm xoang cấp tính và mạn tính, nếu không được điều trị kịp thời và hiệu quả thì đều có khả năng gây nên những biến chứng nguy hiểm. Ngày nay, do có nhiều thuốc kháng sinh thế hệ mới nên biến chứng của viêm xoang đã giảm đi đáng kể nhưng chưa phải đã hết, cho nên vẫn phải cẩn thận đề phòng.

Vì xoang mũi ở xung quanh hốc mắt, thành xương của xoang lại tương đối mỏng, nên nhiễm trùng ở xoang có thể lan vào trong hốc mắt gây viêm thành xương của hốc mắt, viêm tổ chức lỏng lẻo hốc mắt, viêm thần kinh thị giác sau nhãn cầu, và xa hơn nữa là áp xe ngoài màng cứng, áp xe não. Dịch mủ trong xoang chảy xuống họng gây viêm họng, nếu dịch mủ lọt vào thanh khí phế quản thì có thể gây viêm thanh khí phế quản, viêm phổi..

Vì thế, khi bị viêm xoang nhất định phải được điều trị kịp thời và chăm sóc chu đáo để ngăn chặn quá trình viêm và phòng ngừa biến chứng.

4. Điều trị

4.1. Điều trị viêm xoang cấp tính

Khi bị viêm xoang cấp tính phải kịp thời điều trị hợp lý. Nguyên tắc trị liệu là cải thiện sự thông khí và dẫn lưu ở xoang và mũi, chống nhiễm trùng. Nghỉ ngơi hợp lí, tránh hỉ khi mũi đang nghẹt. Dùng kháng sinh, kháng viêm toàn thân. Nhỏ thuốc co mạch mũi để thông mũi, tạo điều kiện khôi phục lại sự lưu thông khí và dẫn lưu dịch tiết giữa xoang và mũi. Sau thời kỳ cấp tính, nếu xoang hàm vẫn còn chứa nhiều mủ do không tự dẫn lưu ra được thì nên thông rửa xoang (vì sức căng trên bề mặt của mức dịch ở các phía sẽ làm vô hiệu hóa sự vận chuyển của phức hệ màng nhầy - lông chuyển, cho nên cần phải can thiệp thông rửa xoang).

Tóm lại, khi bị viêm xoang cấp tính, phải kịp thời điều trị hợp lý, kết hợp với nghỉ ngơi và điều dưỡng để tránh bệnh kéo dài thành mạn tính hoặc gây nên các biến chứng.

4.2. Điều trị viêm xoang mạn tính

Tùy theo mức độ của bệnh mà đưa ra phương án điều trị thích hợp như: Điều trị nội khoa hay điều trị phẫu thuật. Mổ theo phương pháp kinh điển hay là mổ nội soi v.v... Cho dù cách nào đi nữa thì mục đích điều trị vẫn là phục hồi sự lưu thông khí và phục hồi sự dẫn lưu dịch ở mũi – xoang, làm cho niêm mạc bị bệnh trở lại trạng thái bình thường. Quan điểm hiện nay là cố gắng bảo tồn tối đa cấu trúc giải phẫu và duy trì chức năng sinh lý bình thường của mũi xoang. Nếu niêm mạc mũi – xoang chưa thoái hóa nhiều, lỗ thông xoang chưa bị bít tắc thì điều trị nội khoa bằng kháng sinh, kháng viêm, co mạch tại chỗ, rửa bằng nước muối sinh lí...sẽ mang lại kết quả tốt. Viêm xoang hàm tích mủ nhiều, có thể thông rửa xoang hàm rồi đưa thuốc kháng sinh vào.

Khi điều trị bằng thuốc dài ngày và nhiều đợt vẫn không có hiệu quả thì có thể đặt vấn đề can thiệp phẫu thuật. Hiện nay kĩ thuật nội soi mũi xoang ngày càng tiến bộ, giúp ích rất nhiều cho sự chăm sóc và điều trị viêm xoang.

Tham khảo: Vũ Hải Long. http://www.benhvien115.com.vn/kien-thuc-y-khoa-/cham-soc-va-dieu-tri-benh-viem-xoang/20190910091329753


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bệnh thận - Tiết niệu

    Bệnh tim mạch

      Bệnh cơ-xương-khớp

        Bệnh nội tiết-chuyển hóa

          Bệnh tiêu hóa

            Bệnh phổi - phế quản

              Bệnh Thần kinh - Tâm thần

                Bệnh truyền nhiễm

                  Bệnh nhi khoa

                    Cận lâm sàng

                      Bệnh khác

                        Thuốc

                          Vật lý trị liệu

                            Phục hồi chức năng

                              Tư vấn và Chia sẻ thông tin

                                Sách đã xuất bản của Hà Hoàng Kiệm

                                  Bài báo khoa học

                                    SÁCH CỦA TÔI