Nhân chẩn đoán một bệnh nhân nhiễm sán lá gan lớn

Cập nhật: 17/04/2014 Lượt xem: 5192

PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm, BV 103

Đó là một thanh niên 32 tuổi, phàn nàn 5 ngày nay đau ở vùng bờ sườn phải cạnh mũi ức. Đau cả ngày và đêm, không thể nằm nghiêng sang phải được, hít thở mạnh cũng đau. Khi ấn vào vùng bờ sườn phải anh ta rất đau, gan không to, túi mật không to. Anh ta không sốt, chỉ mệt và ăn kém. Xét nghiệm máu thấy số lượng bạch cầu không tăng (6,7 G/l) nhưng tỉ lệ bạch cầu ái toan rất cao (19,2%). Ái chà chà, chắc là nhiễm ký sinh trùng hay dị ứng đây. Nhưng anh ta không hề có dấu hiệu gì về dị ứng, vả lại dị ứng thỉ tỉ lệ bạch cầu ái toan không cao nhiều đến như vậy. Siêu âm gan cho thấy một ổ tổn thương ở gan phải là những vùng tăng âm hình tròn ở giữa là vùng giảm âm, các microabcess đây. Biết rồi sán lá gan lớn. Để chắc chắn cho làm xét nghiệm ELISA để tìm kháng thể thì dương tính. Chắc chắn rồi, hỏi lại thì anh ta nói rằng anh ta thường phải đi công tác, vì thế hay phải ăn cơm quán. Anh ta thích ăn rau sống, khi ăn lẩu thì thích ăn rau cần nhúng tái. Thế thì đúng rồi, anh ta đã ăn cả các ấu trùng sán bám ở các rau thủy sinh. Thế đấy nếu các bạn hay ăn quán thì hãy cẩn thận.


Con sán lá gan lớn

Sán lá gan lớn (Fasciola gigantic) có kích thước 30*10-12mm. Ở người, sán ký sinh trong gan mật, trường hợp bất thường sán có thể ký sinh trong cơ, dưới da... (ký sinh lạc chỗ). Sán trưởng thành đẻ trứng, trứng trôi theo đường mật xuống ruột và ra ngoài theo phân. Trứng sán lá gan lớn có kích thước 140*80mm. Trứng xuống nước, nở ra ấu trùng lông và ký sinh trong ốc, phát triển thành ấu trùng đuôi, ấu trùng đuôi rời khỏi ốc và bám vào các loại rau mọc dưới nước tạo nang trùng hoặc bơi tự do trong nước. Người hoặc trâu bò ăn phải thực vật thủy sinh hoặc uống nước lã có ấu trùng sẽ bị nhiễm sán lá gan lớn.


Chu kỳ phát triển của sán lá gan lớn

Giai đoạn xâm nhập vào nhu mô gan

- Khi người ăn sống rau mọc dưới nước hoặc uống nước có nhiễm ấu trùng sán, ấu trùng sán vào dạ dày, xuống tá tràng, tự tách vỏ và xuyên qua thành tá tràng vào khoang phúc mạc đến gan, đục thủng bao gan và xâm nhập vào nhu mô gan gây tổn thương gan. Đây cũng chính là giai đoạn kích thích cơ thể phản ứng miễn dịch mạnh nhất.

- Kháng thể xuất hiện trong máu 2 tuần sau khi sán xâm nhập, sự tồn tại kháng thể trong máu là cơ sở của các phản ứng miễn dịch giúp cho chẩn đoán bệnh. Các kháng thể trong giai đoạn này chủ yếu là IgG.

- Sán lá gan lớn ký sinh chủ yếu ở mô gan, nhưng trong giai đoạn xâm nhập, sán có thể đi chuyển lạc chỗ và gây các tổn thương ở các cơ quan khác như thành ruột, thành dạ dày, thành bụng, đôi khi có trong bao khớp.

Giai đoạn xâm nhập vào đường mật

Sau giai đoạn xâm nhập vào nhu mô gan từ 2-3 tháng, sán xâm nhập vào đường mật trưởng thành và đẻ trứng. Tại đây sán trưởng thành có thể ký sinh và gây bệnh trong nhiều năm (có thể tới 10 năm) nếu không được phát hiện và điều trị.

- Tại đường mật: sán gây tổn thương biểu mô đường mật, tắc mật, viêm và xơ hoá đường mật thứ phát, có thể gây ung thư biểu mô đường mật.
- Viêm tụy cấp.
- Gây bội nhiễm vi khuẩn tạo ra các ổ áp-xe gan

Điều trị:

Thuốc triclabendazole, biệt dược Egaten do Thụy Sĩ sản xuất. Triclabendazole là dẫn xuất của thuốc benzimidazole, một loại thuốc diệt giun sán có hoạt tính đã được chứng minh chống lại sán lá (fluke). Thuốc có hoạt chất 6-chloro-5-(2,3 dichlorophenoxy)-2-methyl-thiobenzimidazole (triclabendazole). Viên có hàm lượng 250mg, loại viên nén có vạch và dễ bẻ thành hai nửa bằng nhau để thuận tiện trong việc chia liều chính xác. Thuốc dùng bằng đường uống sau bữa ăn và nên nuốt viên thuốc cùng với nước uống đun sôi để nguội, không được nhai nát viên thuốc. Uống một liều duy nhất 10mg/kg cân nặng. Nếu bệnh nhân không có dấu hiệu thuyên giảm, cần điều trị tiếp lần 2 với liều 20mg/kg cân nặng/ngày, uống chia 2 lần cách nhau 12 - 24 giờ. Có thể điều trị hỗ trợ thêm cho bệnh nhân bằng thuốc kháng sinh có phổ diệt khuẩn rộng để chống bội nhiễm, thuốc hạ sốt, giảm đau... Bảo đảm chế độ ăn uống, bồi dưỡng hợp lý để bổ sung năng lượng cho bệnh nhân từ 1.500 - 2.000 Kcalo/ngày.

Hãy xem lại ảnh của con sán lá gan lớn, đừng để nó chui vào bụng mình bạn nhé.

Sán lá gan lớn

Trứng sán lá gan lớn

Ổ sán lá gan lớn ở thùy gan phải trên siêu âm.

Ổ sán lá gan lớn ở thùy gan phải trên siêu âm ở một bệnh nhân khác.

 


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bệnh thận - Tiết niệu

    Bệnh tim mạch

      Bệnh cơ-xương-khớp

        Bệnh nội tiết-chuyển hóa

          Bệnh tiêu hóa

            Bệnh phổi - phế quản

              Bệnh Thần kinh - Tâm thần

                Bệnh truyền nhiễm

                  Bệnh nhi khoa

                    Cận lâm sàng

                      Bệnh khác

                        Thuốc

                          Vật lý trị liệu

                            Phục hồi chức năng

                              Tư vấn và Chia sẻ thông tin

                                Sách đã xuất bản của Hà Hoàng Kiệm

                                  Bài báo khoa học

                                    SÁCH CỦA TÔI