Bệnh sán lá phổi (Paragonimus)

Cập nhật: 30/04/2019 Lượt xem: 3304

Bệnh sán lá phổi  (Paragonimus)

Bệnh sán lá phổi được Kerbert tìm ra đầu tiên ở động vật là hổ. Năm 1995, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố sự lưu hành bệnh sán lá phổi ở 39 nước trên thế giới. Năm 1968, John Cross cho rằng có khoảng 194 triệu người trên thế giới có nguy cơ mắc bệnh sán lá phổi, đặc biệt là Trung Quốc, Lào và Triều Tiên.

Ở Việt Nam, bệnh sán lá phổi được xác định lưu hành ít nhất ở 8 tỉnh phía Bắc như Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Lạng Sơn, Nghệ An; có nơi tỷ lệ nhiễm tới 15 % (Sơn La). Loài sán lá phổi mới chỉ xác định ở Việt Nam là Paragonimus heterotremus.

1. Tác nhân gây bệnh

Bệnh do sán lá phổi gây ra với 40 loài khác nhau, thuộc giống Paragonimus được phát hiện ở rất nhiều nơi trên thế giới trong đó có Việt Nam, nhưng chỉ có trên 10 loài gây bệnh ở người, chủ yếu là loài Paragonimus westermani, còn ở Việt Nam là loài Pheterotremus.

Trứng sán lá phổi xuống họng khi nuốt đờm hoặc theo phân ra ngoài rơi xuống nước, nở ra ấu trùng lông (miracidium), chui vào ốc phát triển thành ấu trùng đuôi (cercaria), ấu trùng đuôi rời ốc chui vào tôm cua nước ngọt tạo nang ở tổ chức và phủ tạng (ấu trùng nang-metacercaria). Khi người hay súc vật ăn phải tôm, cua có ấu trùng sán lá phổi chưa nấu chín, ấu trùng sán vào dạ dày và ruột (ấu trùng thoát nang ở tá tràng), xuyên qua thành ống tiêu hoá vào ổ bụng rồi xuyên qua cơ hoành và màng phổi vào nhu mô phổi rồi làm tổ ở đó, một số ít cư trú tại tim, phúc mạc, gan, thận, dưới da, ruột, não ….

   

Hình ảnh Sán lá phổi trưởng thành và trứng

Con sán lá phổi to bằng hạt cà phê hay hạt lạc nhỏ, dài 7-13 mm, rộng 4-6 mm, màu đỏ hoặc trắng hồng. Chúng thuộc loài lưỡng tính, nghĩa là trên một con sán có cả bộ phận sinh dục đực và cái. Sán chủ yếu ký sinh trong phổi, làm nang trong tiểu phế quản nhỏ của phổi người hay súc vật, trong mỗi nang hầu hết có 2 con và dịch mủ màu đỏ, xung quanh có mạch máu tân tạo. Trứng sán có màu nâu sẫm, hình bầu dục, có nắp, kích thước: dài 80 - 120 µm – rộng 4-8 µm vỏ dày, bên trong có chứa phôi

2. Dịch tễ học bệnh sán lá phổi

Tập quán ăn tôm cua chưa nấu chín cũng như ăn gỏi cua, gỏi tôm, ăn cua nướng (thực chất thịt cua nướng chưa chín), ăn gạch cua sống, ăn mắm cua, uống nước cua sống... đều có nguy cơ bị nhiễm sán lá phổi.

Ở Việt Nam, ca bệnh sán lá phổi đầu tiên đã được tác giả Monzel phát hiện tại Châu Đốc - An Giang năm 1906, sau đó tác giả Salomon và Leveu phát hiện sán lá phổi tại một số tỉnh miền trung, cho tới nay nhiều tác giả đã phát hiện sự có mặt của sán lá phổi tại một số tỉnh bắc như; Lai Châu, Sơn La, Hoà Bình, Lào Cai, Nghệ An, Hà Giang và như vậy khắp 3 miền đều có mặt của sán lá phổi.

Chu kỳ sống và lây truyền bệnh của sán lá phổi

3. Cơ chế bệnh sinh

3.1. Gây bệnh tại phổi

Người mắc bệnh do ăn cua hoặc tôm chưa nấu chín có chứa kí sinh trùng ở giai đoạn ấu trùng nang metacercaria. Sau khi ăn, metacercaria tới phổi và gây bệnh ở phổi. Lúc đầu xung quanh sán thâm nhiễm bạch cầu ái toan và trung tính, sau đó là bạch cầu đơn nhân. Xuất hiện hoại tử khu trú nhu mô phổi, sau đó hình thành nang xơ bao quanh sán trưởng thành. Sau khi nhiễm 7-8 tuần, sán trưởng thành hoàn toàn bắt đầu đẻ trứng ở trong nang. Nang này có thể lớn lên và vỡ, thường là vỡ vào tiểu phế quản.

3.2. Gây bệnh ở một số cơ quan khác

Sau khi metacercaria đã thoát vỏ tại tá tràng để di chuyển đến các cơ quan nội tạng và phát triển thành sán non, trong quá trình đó chúng có thể di trú từ khoang màng bụng đến các cơ quan khác ngoài phổi hoặc từ phổi tới các cơ quan khác và chúng có thể tạo nang và đẻ trứng tại vị trí ngoài phổi.

Trứng của sán trưởng thành sống trong phổi đi vào hệ tuần hoàn và được đưa đến các vùng phía xa của cơ thể.

Trứng và sán chưa trưởng thành ở các vị trí lạc chỗ có thể gây phản ứng viêm, dẫn đến hình thành nang, áp-xe, u hạt.

4. Biểu hiện lâm sàng và cận lâm sàng

4.1. Giai đoạn sớm

Tính từ khi nhiễm cho đến khi sán đẻ trứng đầu tiên, trung bình 2-20 ngày, có thể kéo dài đến 2 tháng.

- Trong thời gian ấu trùng di trú trong khoang phúc mạc, một số bệnh nhân thấy đau bụng hay đau thượng vị, thậm chí có thể có ỉa chảy.

- Khi ấu trùng xuyên qua cơ hoành và di trú trong khoang màng phổi, có thể có đau ngực kiểu màng phổi (thường là hai bên).

- X quang phổi lúc này, khoảng sau nhiễm từ một tháng trở lên, có thể thấy tràn khí màng phổi hoặc tràn dịch màng phổi.

- Tràn dịch màng phổi là dịch tiết và dày đặc bạch cầu ái toan.

- Khi ấu trùng di trú trong nhu mô phổi tăng cao, bệnh nhân thường có biểu hiện giống như hội chứng Loeffler:

- Ho khan, đau ngực và khó chịu.

- Các triệu chứng ít gặp hơn bao gồm sốt nhẹ và đờm có dây máu.

4.2. Giai đoạn muộn

Giai đoạn thứ hai của nhiễm sán lá phổi là thời gian sán trưởng thành sống ở phổi. Giai đoạn này có thể kéo dài tới mười năm trước khi sán chết dần.

- Lâm sàng:

+ Ho máu tái diễn là triệu chứng hay gặp nhất trong giai đoạn này. Điển hình thì chất đờm có màu sô-cô-la, bao gồm hỗn hợp máu, tế bào viêm và trứng sán phóng ra khi nang bao quanh sán trưởng thành vỡ vào tiểu phế quản.

+ Bệnh nhân có thể khó chịu nhưng nói chung không sốt.

+ Người gầy sút, kém ăn … và ho máu tái diễn các lần sau nếu không được phát hiện và điều trị.

- Cận lâm sàng:

+ Bạch cầu ái toan tăng hoặc không tăng.

+ X quang phổi: có thể thấy một hay nhiều vị trí khu trú sán trong nang hay đường hầm trên phim X quang phổi, tuy nhiên có khoảng 20% không thấy bất thường gì trên X quang. Các bất thường trên phim X quang thường hay phim CT có thể gặp là: Tổn thương mờ hình vòng do sự sáng tương đối của các thành phần trong nang sán; Đường sọc, thường cạnh bóng mờ hình vòng, biểu hiện đường hầm của sán; Có thể thấy dày màng phổi; Hiếm khi thấy hình mức nước hơi. Nhiều biểu hiện phổi khác nhau có thể tự nhiên mất đi và tổn thương mới xuất hiện chậm trong nhiều tháng. Những biểu hiện X quang phổi đó có thể bị qui nhầm cho lao.

+ Test ELISA dương tính với sán lá phổi.

5. Chẩn đoán

Chẩn đoán xác định nhiễm sán lá phổi trong giai đoạn sớm (trước khi sán đẻ trứng) là khó khăn. Có thể phỏng đoán trên cơ sở triệu chứng ở phổi phù hợp trên bệnh nhân tăng bạch cầu ái toan máu và có tiền sử phơi nhiễm ở vùng bệnh lưu hành. Trong giai đoạn nhiễm muộn, chẩn đoán được gợi ý với bệnh sử ho máu tái diễn ở bệnh nhân đến từ vùng bệnh lưu hành. Khẳng định chẩn đoán lúc này bằng cách tìm trứng sán trong đờm.

5.1. Chẩn đoán lâm sàng dựa vào

- Ho ra máu và/hoặc tràn dịch màng phổi.

- Bệnh nhân sống trong vùng có cua đá, nhất là trẻ em.

- Bệnh thường tiến triển mạn tính, có từng đợt cấp tính.

- Thể trạng bệnh nhân ít suy sụp, không có triệu chứng nhiễm trùng cấp tính, ít sốt hoặc không sốt về chiều.

5.2. Chẩn đoán cận lâm sàng dựa vào

- Tiêu chuẩn “vàng” là thấy trứng sán trong đờm hoặc dịch màng phổi hoặc trong phân, tuy tỷ lệ tìm thấy trứng sán trong đờm chỉ 40%, thậm chí còn thấp hơn nữa. Do vậy cần tiến hành xét nghiệm nhiều lần vào nhiều thời điểm khác nhau, đặc biệt khi ho ra máu. Thu thập đờm 24 giờ tăng cường độ nhạy của việc phát hiện trứng sán.

- Phản ứng ELISA dương tính với sán lá phổi.

- Ngoài ra còn sử dụng các phương pháp khác để chẩn đoán gồm như; Xét nghiệm dịch màng phổi, dịch màng bụng, dịch não tuỷ để tìm trứng sán lá phổi tương tự như xét nghiệm đờm…

5.3. Chẩn đoán phân biệt

- Bệnh cảnh lâm sàng bệnh sán lá phổi cần phải phân biệt với bệnh lao phổi.

+ Ngoài các yếu tố đặc trưng về tiền sử, dịch tễ học, thường trong bệnh lao có sốt về chiều, sút cân.

+ Tiêu chuẩn vàng của chẩn đoán bệnh lao là thấy trực khuẩn lao.

+ Dịch màng phổi trong lao thiên về màu vàng chanh, còn trong bệnh sán lá phổi thiên về màu nhờ hồng.

- Ngoài ra cần phân biệt với các tình trạng gây ho ra máu khác như giãn phế quản, ung thư phổi...

6. Điều trị

- Hiện nay, Praziquantel được chọn là thuốc ưu tiên chữa bệnh sán lá phổi, liều lượng: 75 mg/kg/ngày chia 3 lần × 2 ngày. Praziquantel (biệt dược: Billtricide, Distocide, Trematodicide, Cysticide, Cesol, Cestox, Pyquiton...)

- Ngoài ra có thể dùng Triclabendazole 10 mg/kg chia 2 lần cách nhau 6-8 giờ.

Thuốc hấp thu tốt qua đường uống, chủ yếu đào thải qua đường tiết niệu.

Tác dụng phụ: Thường ở mức độ nhẹ, nhanh hết và bệnh nhân chịu được. Đó là biểu hiện chóng mặt, nhức đầu, ngủ gà, buồn nôn, khó chịu hạ vị, mẩn ngứa và có thể sốt. Để hạn chế tác dụng phụ, cần:

Uống thuốc lúc no, chia 3 lần trong ngày, cách nhau 4-6 giờ.

Nghỉ ngơi tại chỗ ít nhất 24 giờ sau uống thuốc

Không uống rượu bia hoặc các chất kích thích.

- Chống chỉ định:

+ Phụ nữ có thai 3 tháng đầu.

+ Đang nhiễm trùng cấp tính hoặc suy gan, suy thận hoặc rối loạn tâm thần.

+ Dị ứng với Praziquantel.

Lưu ý: phụ nữ nuôi con nhỏ không cho con bú trong vòng 72 giờ dùng thuốc.

7. Phòng bệnh

- Phát hiện và điều trị triệt để đồng thời quản lý tốt nguồn phát tán mầm bệnh từ người bệnh.

- Thực hiện tốt việc đảm bảo vệ sinh trong ăn uống (ăn, uống chín), nhất là những nơi có thói quen ăn gỏi và các hải sản sống cần phải được tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân nhằm loại bỏ thói quen ăn uống không hợp vệ sinh.

- Không ăn sống cua, tôm dưới bất kỳ hình thức nào. Không khạc nhổ và phóng uế bừa bãi, xử lý đờm người mắc bệnh, ăn chín, uống chín, vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường.

Tài liệu tham khảo:

http://www.impehcm.org.vn/noi-dung/kham-benh-giun-san/benh-san-la-phoi-va-nhung-dieu-can-biet.html

http://vncdc.gov.vn/vi/danh-muc-benh-truyen-nhiem/1120/benh-san-la-phoi


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bệnh thận - Tiết niệu

    Bệnh tim mạch

      Bệnh cơ-xương-khớp

        Bệnh nội tiết-chuyển hóa

          Bệnh tiêu hóa

            Bệnh phổi - phế quản

              Bệnh Thần kinh - Tâm thần

                Bệnh truyền nhiễm

                  Bệnh nhi khoa

                    Cận lâm sàng

                      Bệnh khác

                        Thuốc

                          Vật lý trị liệu

                            Phục hồi chức năng

                              Tư vấn và Chia sẻ thông tin

                                Sách đã xuất bản của Hà Hoàng Kiệm

                                  Bài báo khoa học

                                    SÁCH CỦA TÔI