Viêm gân vùng mỏm châm quay (Hội chứng De Quervain)

Cập nhật: 09/12/2019 Lượt xem: 3318

Viêm gân vùng mỏm châm quay (Hội chứng De Quervain)

PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm, BV103, HVQY.

1. Khái niệm

Hội chứng Viêm gân vùng mỏm trâm quay là tình trạng viêm bao gân cơ duỗi ngắn ngón cái và cơ dạng dài ngón cái do nhà phẫu thuật người Thụy Sĩ De Quervain phát hiện vào năm 1985 dẫn đến đau và sưng vùng mỏm trâm quay. Tình trạng này xảy ra là do viêm bao hoạt dịch gân, bao dày lên, gây chít hẹp gân làm bệnh nhân đau mỗi khi dạng và duỗi ngón cái. Bệnh thường gặp ở phụ nữ và người bệnh thường cảm thấy đau khi cử động cổ tay, sưng nề vùng mỏm trâm quay.

Các hoạt động thường xuyên có thể gây ra hội chứng Viêm gân vùng mỏm trâm quay, một số ví dụ:

Chơi quần vợt, đánh đàn piano, đánh máy tính, sử dụng điện thoại, có thể là các bà mẹ chăm con nhỏ hoặc sau chấn thương, thường xuyên phải làm động tác vặn vắt…

Điểm đau do Hội chứng Viêm gân vùng mỏm trâm quay thường nằm ở đầu mỏm châm quay nơi gân duỗi ngắn và dạng dài ngón cái chui qua dây chằng ngang cổ tay.

    

Hình 1. Viêm gân vùng mỏm châm quay.

2. Chẩn đoán phân biệt

Chẩn đoán phân biệt với viêm gân vùng mỏm trâm quay gồm:

- Viêm khớp cổ bàn tay của ngón cái, tức là viêm khớp nằm ở gốc ngón tay cái hay khớp CMC.

- Hội chứng giao nhau (Intersection Syndrome) cũng có thể cần chẩn đoán phân biệt. Bệnh nhân thấy đau ở mặt sau ngoài cẳng tay, nơi cơ duỗi ngón cái ngắn, cơ dạng ngón cái dài giao với cơ duỗi cổ tay quay ngắn và cơ duỗi cổ tay quay dài. Điểm đau nằm trên khớp cổ tay 4 cm.

- Hội chứng Wartenberg là sự chèn ép nhánh nông của dây thần kinh quay. Điểm đau này nằm cách mỏm trâm quay khoảng 8cm. Bệnh nhân thấy đau và dị cảm trên mu bàn tay và dấu hiệu Tinel (+)

Rất khó để phân biệt Hội chứng Viêm gân vùng mỏm trâm quay và Viêm khớp cổ bàn tay của ngón cái.

- Nghiệm pháp Finklestein được sử dụng để chẩn đoán Hội chứng Viêm gân vùng mỏm trâm quay. Nghiệm pháp được thực hiện bằng cách yêu cầu bệnh nhân gấp ngón cái vào trong lòng bàn tay. Nắm các ngón tay trùm lên ngón cái. Uốn cổ tay về phía xương trụ (tức là phía ngón út). Nếu bệnh nhân thấy đau chói vùng gân dạng dài và gân duỗi ngắn ngón cái hoặc ở gốc ngón cái là dấu hiệu dương tính.

                

Hình 2. Hình ảnh siêu âm vùng mỏm châm quay và nghiệm pháp Finklestein

- Nghiệm pháp Grind được thực hiện để chẩn đoán Viêm khớp cổ bàn tay của ngón cái. Bằng cách đẩy Xương đốt bàn ngón cái hướng Xương thang, kéo lại và xoay, người bệnh cảm thấy đau ở khớp này.

3. Điều trị

Hội chứng Viêm gân vùng mỏm trâm quay chủ yếu được điều trị bảo tồn:

- Sử dụng các biện pháp vật lý trị liệu: Điều trị bằng nhiệt nóng (Paraffin, hồng ngoại), điện xung, điện di novocain, sóng ngắn, sóng xung kích (Shock Wave). Thường phối hợp các phương pháp điều trị mỗi ngày 1 – 2 lần trong 2 - 4 tuần thường mang lại kết quả.

- Sử dụng các thuốc chống viêm không steroid, nẹp ngón cái.

Hình 3. Nẹp ngón cái.

- Tiêm steroid: thuốc thường dùng là diprospan hoặc depomedrol, thuốc được tiêm vào bao hoạt dịch gân của ngăn 1 cổ tay với cổ tay được kê trên một chiếc khăn cuộn tròn. Phương pháp này rất hiệu quả, thường chỉ cần tiêm một lần, một số trường hợp cần tiêm lần thứ hai, phải cách lần 1 từ 3 – 4 tuần.

- Phẫu thuật: Phẫu thuật được thực hiện khi điều trị bảo tồn không hiệu quả.
Mục đích của Phẫu thuật là nhằm giải phóng sự chít hẹp của Ngăn 1 cổ tay khỏi mạc giữ gân duỗi. Khi thực hiện phẫu thuật, phải lưu ý bảo vệ dây thần kinh quay. Do mỗi gân cơ hoặc nhóm gân cơ nằm ở ngăn riêng nên cần xác định chính xác ngăn thực hiện phẫu thuật.

Hình 4. Phẫu thuật giải phóng chèn ép gân.

Lưu ý: đối với trường hợp Gân cơ dạng dài ngón cái có nhiều bó sợi. Sau phẫu thuật, tình trạng đau vẫn có thể xuất hiện do u dây thần kinh, phẫu thuật không thành công, sẹo và sự không ổn định của gân.


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bệnh thận - Tiết niệu

    Bệnh tim mạch

      Bệnh cơ-xương-khớp

        Bệnh nội tiết-chuyển hóa

          Bệnh tiêu hóa

            Bệnh phổi - phế quản

              Bệnh Thần kinh - Tâm thần

                Bệnh truyền nhiễm

                  Bệnh nhi khoa

                    Cận lâm sàng

                      Bệnh khác

                        Thuốc

                          Vật lý trị liệu

                            Phục hồi chức năng

                              Tư vấn và Chia sẻ thông tin

                                Sách đã xuất bản của Hà Hoàng Kiệm

                                  Bài báo khoa học

                                    SÁCH CỦA TÔI