Tiêm acid hyaluronic vào khoang khớp gối

Cập nhật: 13/02/2023 Lượt xem: 1471

Tiêm acid hyaluronic vào khoang khớp gối

PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm, BVQY 103, HVQY

1. Chỉ định

Bệnh nhân bị thoái hóa khớp gối giai đoạn II, III,IV theo Kellgren và Lawrence (1987) không đáp ứng với các biện pháp điều trị thông thường.

2. Chống chỉ định

- Dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc

- Đang có nhiễm khuẩn vùng da vị trí tiêm khớp

- Có biểu hiện nhiễm khuẩn khớp

- Bệnh nhân đang có sốt.

3. Tác dụng

Trong dịch khớp thoái hóa, nồng độ acid hyaluronic nhỏ hơn bình thường (0,8-2mg/ml so với bình thường là 2,5-3,5mg/ml). Trọng lượng phân tử của acid hyaluronic trong dịch khớp thoái hóa cũng thấp hơn (0,4-4 Mega Dalton so với bình thường là 4-5 Mega Dalton). Bổ sung acid hyaluronic có trọng lượng phân tử cao vào ổ khớp thoái hóa sẽ tạo ra được một “độ nhớt bổ sung” thực sự.

Hyaluronic acid được sử dụng để bổ xung chất hoạt dịch cho khớp gối. Hyaluronic acid cũng được chỉ định như một chất bổ xung dịch hoạt dịch cho các khớp khác. Thuốc có tác dụng giống như chất bôi trơn và hỗ trợ cơ học có tác dụng điều trị triệu chứng cho các bệnh nhân thoái hóa khớp.

Axit hyaluronic giúp giảm ma sát của bề mặt khớp và tăng khả năng vận động khớp trong quá trình di chuyển, làm tăng dinh dưỡng cho các tế bào chondrocyte và tạo thuận lợi cho quá trình tái tạo sụn hyaline, ngăn chặn quá trình viêm và giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.

4. Liều điều trị

Mỗi liệu trình thuốc được tiêm vào khớp 5-6 lần, mỗi lần tiêm cách nhau 1 tuần. Có thể tiêm một số khớp cùng lúc. Mỗi liệu trình điều trị có thể có tác dụng kéo dài trên 6 tháng tùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ của bệnh. Cần tiếp tục nhắc lại liệu trình như vậy sau 6 tháng.

Trường hợp có tràn dịch khớp, cần chọc hút dịch, bất động khớp và chườm đá hoặc dùng corticosteroid tiêm vào khớp. Tiếp tục dùng axit hyaluronic sau 2-3 ngày.

5. Kỹ thuật tiêm

Thủ thuật phải được tiến hành trong buồng vô khuẩn và tuân thủ chặt chẽ quy trình vô khuẩn do các bác sĩ chuyên khoa có chứng chỉ tiêm khớp tiến hành. Có thể tiêm mù hoặc dưới hướng dẫn của siêu âm để đảm bảo đầu kim nằm trong khoang khớp.

Kim số 18-20

Vị trí tiêm: bệnh nhân ở tư thế nằm.

- Tiêm mặt trước khớp gối: gối gấp 90 độ, ở hõm khớp dưới xương bánh chè, chọc kim sát bờ trong hoặc bờ ngoài gân bánh chè cách bờ dưới xương bánh chè 1cm luồn kim xuống dưới xương bánh chè.

- Tiêm mặt ngoài hoặc mặt trong khớp gối: bệnh nhân được kê một gối dưới khoeo, vị trí chọc kim dưới góc trên ngoài hoặc góc trên trong xương bánh chè 1cm.

6. Tai biến và cách sử trí

- Biến chứng hiếm gặp: do người bệnh quá sợ hãi. Biểu hiện kích thích hệ phó giao cảm: người bệnh choáng váng, vã mồ hôi, ho khan, có cảm giác tức ngực khó thở, rối loạn cơ tròn, huyết áp tụt... xử lý:  đặt bệnh nhân nằm đầu thấp, giơ cao chân, theo dõi mạch, huyết áp để có các biện pháp xử lý cấp cứu khi cần thiết.

- Đau tăng sau khi tiêm 12-24 giờ: do phản ứng viêm màng hoạt dịch với hyaluronic acid, thường khỏi sau một ngày, không phải can thiệp, có thể bổ sung giảm đau paracetamol.

- Nhiễm khuẩn khớp, phần mềm quanh khớp do thủ thuật tiêm (viêm mủ): biểu hiện bằng sốt, sưng đau tại chỗ, tràn dịch khớp. Xử trí: hút dịch khớp, làm xét nghiệm công thức máu, xét nghiệm dịch khớp và điều trị theo phác đồ viêm khớp nhiễm khuẩn.

Thận trọng khi sử dụng cho các bệnh nhân hay dị ứng thuốc và bệnh nhân suy gan. Thận trọng với người già do các chức năng sinh lý trên người già bị suy giảm. Thận trọng khi dùng cho trẻ em do các nghiên cứu trên trẻ em chưa được tiến hành . Dùng trên phụ nữ có thai và cho con bú: Mặc dù ảnh hưởng gây quái thai trên động vật chưa được phát hiện nhưng chưa có báo cáo trên người nên cần rất thận trọng khi dùng các sản phẩm này ở các đối tượng trên. Sodium Hyaluronate có bài tiết qua sữa nên không dùng sản phẩm này cho phụ nữ đang cho con bú.

Một số bệnh nhân khi sử dụng hyaluronic acid có thể xuất hiện triệu chứng phát ban da như mày đay, ngứa tuy nhiên rất hiếm gặp. Khi đó ngừng dùng thuốc và điều trị bằng thuốc chống dị ứng. Đau (phần lớn đau thoảng qua sau khi tiêm), sưng và phù nề cũng như nhiễm khuẩn ở vị trí tiêm đã được ghi nhận mặc dù rất hiếm. Đôi khi thấy đỏ, nóng ở chỗ tiêm. Shock phản vệ rất hiếm xảy ra, nếu xảy ra cần ngừng tiêm, theo dõi chặt chẽ và điều trị theo phác đồ shock phản vệ. Tiêm hyaluronic acid có thể có các tác dụng phụ không mong muốn tại vị trí tiêm ví dụ đau, cảm giác nóng, sưng, phù, nhiễm trùng. Tác dụng phụ này có thể giảm khi dùng một túi đá chườm vào vị trí tiêm 5-10 phút sau khi tiêm. Tương tác thuốc: Không có các báo cáo về bất dung nạp với các thuốc tiêm vào khớp khác. Có thể phối hợp với các thuốc giảm đau, chống viêm đường uống trong những ngày đầu tiên.

7. Các loại thuốc

7.1. Các thuốc có độ nhớt tuyệt đối (295-300 centipoise)

7.1.1. Go-on®

Mỗi syringe 2,5ml có chứa Sodium hyaluronate 25mg, Sodium chloride 21,25mg, Disodium phosphate dodecahydrate 1,51mg, Sodium dihydrogen phosphate dehydrate 0,14mg, Nước pha tiêm vừa đủ 2,5ml GO-ON® chứa dung dịch Sodium Hyaluronate 1% thu được từ quá trình lên men vi khuẩn Streptococcus Equi sau khi đã tinh chế.

7.1.2. Ostenil®

Mỗi syringe 2ml chứa: 10mg hyaluronic acid 2% + Mannitol 2ml.

7.1.3. Hyruan®

Mỗi syringe 2,5ml chứa: Natri Hyaluronat các hoạt chất khác và tá dược vừa đủ, hàm lượng 10mg/ml.

7.2. Các thuốc có độ nhớt tuyệt đối rất lớn (55 000-56 000 centipoise)

7.2.1. hylan G-F 20

Biệt dược: Synvisc, Synvisc - One

 

7.2.1. Orthto visc 15mg

 


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bệnh thận - Tiết niệu

    Bệnh tim mạch

      Bệnh cơ-xương-khớp

        Bệnh nội tiết-chuyển hóa

          Bệnh tiêu hóa

            Bệnh phổi - phế quản

              Bệnh Thần kinh - Tâm thần

                Bệnh truyền nhiễm

                  Bệnh nhi khoa

                    Cận lâm sàng

                      Bệnh khác

                        Thuốc

                          Vật lý trị liệu

                            Phục hồi chức năng

                              Tư vấn và Chia sẻ thông tin

                                Sách đã xuất bản của Hà Hoàng Kiệm

                                  Bài báo khoa học

                                    SÁCH CỦA TÔI