Colchicin và những lưu ý khi sử dụng

Cập nhật: 19/02/2020 Lượt xem: 2951

Colchicin và những lưu ý khi sử dụng

1. Khái niệm về bệnh gút

Gút là bệnh viêm khớp do rối loạn chuyển hoá purine làm tăng acid uric trong máu, dẫn đến lắng đọng các tinh thể urat ở tổ chức (bao hoạt dịch khớp, các tổ chức quanh khớp, ống thận và nhu mô thận). Tiến triển tự nhiên của bệnh gút được chia làm 3 giai đoạn: Tăng acid uric máu không có triệu chứng lâm sàng, bệnh gút cấp và bệnh gút mạn tính.

Bệnh gút cấpBiểu hiện lâm sàng là cơn gút cấp. Sau khi cơn gút cấp khởi phát và kết thúc, đợt cấp thứ hai có thể xuất hiện sau vài tháng đến vài năm, giữa các đợt cấp hoàn toàn không có triệu chứng lâm sàng.

Trong cơn gút cấp, khớp đau dữ dội, bỏng rát, đau đến cực độ sau khoảng 12 đến 24 giờ. Đau chủ yếu về đêm, làm mất ngủ. Thường kèm theo cảm giác mệt mỏi, đôi khi sốt 38-39 độ C. Khớp bị tổn thương sưng, nóng, đỏ, đau. Nếu là khớp lớn thường kèm tràn dịch, khớp nhỏ thì phù nề. Đáp ứng tốt với điều trị bằng colchicin, các triệu chứng viêm thuyên giảm hoàn toàn sau 48 giờ dùng colchicin. Với những cơn gút cấp ở giai đoạn đầu thường khỏi nhanh sau vài ngày đến 1-2 tuần, thậm chí không điều trị gì.

Bệnh gút mạn: là giai đoạn viêm khớp kéo dài không dứt, sau đợt viêm cấp các khớp bị tổn thương không trở về bình thường và có thể vẫn sưng hoặc người bệnh đã xuất hiện các hạt tôphi. Trong giai đoạn này có những đợt viêm khớp nặng lên.

2. Colchicin

Công thức hóa học của colchicin.

2.1. Tác dụng điều trị

Nhờ tính kháng viêm mạnh, tác dụng nhanh chóng và vượt trội, từ lâu colchicine đã là lựa chọn hàng đầu trong điều trị gút. Là loại thuốc trị bệnh gút được sử dụng nhiều nhất hiện nay tại các cơ sở y tế để điều trị đợt gút cấp nhờ đặc tính kháng viêm của thuốc. Colchicin cũng được dùng để dự phòng đợt gút cấp, đặc biệt trong vài tháng đầu sử dụng thuốc hạ urat máu. Colchicin là một alcaloid, được phân lập năm 1820 từ rễ cỏ Colchicum autumnal do hai nhà hóa học người Pháp là Pierre Joshep Pelletier và Joshep Bienaimé Caventon. Colchicin là thuốc chống phân bào được dùng để điều trị gút lâu đời nhất. Người ta đã sử dụng chất chiết xuất từ loại cỏ này để điều trị gút từ 600 năm trước công nguyên. Do thuốc có ái lực đặc biệt với bạch cầu đa nhân trung tính nên nó làm giảm sự di chuyển của các bạch cầu, ức chế thực bào các vi tinh thể muối urat và do đó làm ngừng sự tạo thành acid lactic, giữ cho độ pH tại chỗ được bình thường, bởi vì độ pH là yếu tố tạo điều kiện cho các tinh thể urat mononatri kết tủa tại các mô ở khớp. Thuốc không có tác dụng lên sự thải trừ acid uric theo nước tiểu cũng như lên nồng độ, độ hòa tan hay khả năng gắn với protein huyết thanh của acid uric hay urat nên không làm thay đổi nồng độ acid uric máu.  

2.2. Tác dụng không mong muốn

Colchicin có thể có độc tính nghiêm trọng và gây tử vong: là thuốc có khoảng điều trị hẹp, nghĩa là khoảng cách giữa liều điều trị và liều gây độc rất thấp. Ngộ độc colchicin thậm chí được so sánh ngang với ngộ độc asen. Dùng Quá liều cấp với mức liều trên 0,5 mg/kg cân nặng thường gây tử vong.

Tổn hại đến tủy xương: Khi dùng liều lượng cao, người bệnh sẽ bị thiếu máu, rụng tóc. Nguyên nhân chính là vì colchicin gây tổn hại đến tuỷ xương và dẫn đến thiếu máu, đồng thời gây ra rụng tóc.

Các tác dụng phụ nguy hiểm khác: Tác dụng phụ thường thấy nhất khi sử dụng colchicin là cảm giác khó tiêu, bị sốt nhẹ do lượng bạch cầu suy giảm. Một số bệnh nhân có triệu chứng đau bụng, buồn nôn, nôn. Dùng với liều lượng cao có thể gây tiêu chảy, chảy máu dạ dày - ruột, nổi ban, viêm thần kinh ngoại biên, tổn thương gan, thận. Quá liều cấp với mức liều trên 0,5 mg/kg cân nặng thường gây tử vong. Một số ít trường hợp tử vong cũng đã thấy ở mức liều thấp hơn (7 mg).

Colchicin đặc biệt độc với trẻ em, chỉ cần vô tình uống 1 hoặc 2 viên thuốc cũng có thể gây ngộ độc nghiêm trọng. Nguy cơ ngộ độc colchicin tăng khi dùng kèm với chất ức chế cytochrom P450 3A4 (CYP3A4) hoặc P-glycoprotein (P-gp) như các thuốc chống nấm nhóm azol (như fluconazol), thuốc chẹn kênh calci (như diltiazem, verapamil) và kháng sinh nhóm macrolid (như erythromycin).

2.3. Cách sử dụng

Do những tác dụng phụ nghiêm trọng có thể xảy ra như trên, bệnh nhân gút chỉ nên dùng cochicine để điều trị cơn đau gút cấp hoặc đợt cấp của gút mạn khi thực sự cần thiết. Theo hướng dẫn về liều colchicin để điều trị đợt gout cấp trong Dược thư Quốc gia Việt Nam năm 2012 (tập I), tổng liều trung bình colchicin uống trong một đợt điều trị là 4-6 mg và cũng không được uống lặp lại liệu trình này trong vòng 3 ngày để tránh nguy cơ ngộ độc do tích tụ colchicin. Nên sử dụng liều 1 mg/ngày, nhưng cần dùng càng sớm càng tốt (trong vòng 12 giờ đầu khởi phát cơn đau gút). Phối hợp với một thuốc chống viêm giảm đau không steroid để tăng hiệu quả cắt cơn gout. Trong trường hợp bệnh nhân có chống chỉ định với thuốc không steroid, dùng colchicin với liều 1 mg x 3 lần trong ngày đầu tiên (có thể cho 0,5 mg cách nhau 2 giờ một lần, nhưng tối đa không quá 4 mg), 1 mg x 2 lần trong ngày thứ hai, 1 mg từ ngày thứ ba trở đi. Triệu chứng tại khớp sẽ giảm nhanh, thông thường sau 24 – 48 giờ sau khi sử dụng. Trong một số trường hợp, colchicin cũng được khuyến cáo sử dụng trong phẫu thuật cắt bỏ hạt tôphi nhằm tránh khởi phát cơn gút cấp và cần kết hợp với thuốc hạ acid uric máu.

Colchicin cần được bảo quản ở nhiệt độ phòng, tránh ẩm, tránh ánh sáng. Cần đọc kỹ hướng dẫn bảo quản trên bao bì. Giữ thuốc tránh xa tầm tay trẻ em và thú nuôi. Không vứt thuốc vào toilet hoặc đường ống dẫn nước.

PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm, BV 103, Học viện Quân y

 


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bệnh thận - Tiết niệu

    Bệnh tim mạch

      Bệnh cơ-xương-khớp

        Bệnh nội tiết-chuyển hóa

          Bệnh tiêu hóa

            Bệnh phổi - phế quản

              Bệnh Thần kinh - Tâm thần

                Bệnh truyền nhiễm

                  Bệnh nhi khoa

                    Cận lâm sàng

                      Bệnh khác

                        Thuốc

                          Vật lý trị liệu

                            Phục hồi chức năng

                              Tư vấn và Chia sẻ thông tin

                                Sách đã xuất bản của Hà Hoàng Kiệm

                                  Bài báo khoa học

                                    SÁCH CỦA TÔI